Sửa nhà cuối năm và những lưu ý phong thủy không thể bỏ qua

Vào dịp cuối năm nhiều gia đình có nhu cầu sửa chữa nhà ở để đón một năm mới tài lộc đến nhà.

Sơn sửa nhà dịp cuối năm thường có hai trường hợp: Thứ nhất, chỉ dừng lại ở việc tân trang, dọn dẹp sạch sẽ, nghĩa là gia chủ chỉ cần sắp xếp lại nội thất, đồ đạc, sơn mới lại toàn bộ hoặc một số khu vực, loại bỏ nội thất cũ, sắm mới đồ dùng… Trường hợp này khá đơn giản, gia chủ chỉ cần chọn thời gian và lên kế hoạch thực hiện phù hợp.

Thứ hai, nếu việc sửa nhà liên quan đến những thay đổi lớn như thêm tầng, nâng cốt nền, đập bỏ một phòng hay thêm mới phòng nào đó, thay đổi hệ mái… thì cần có những tính toán kỹ lưỡng hơn. Đặc biệt, gia chủ cũng cần lưu ý vấn đề tâm linh, phong thủy như chọn ngày giờ tốt khởi công, chọn vị trí động thổ để không phạm xung sát…

1. Những lưu ý khi sửa nhà

Trước hết, nếu không muốn việc sửa chữa trở nên bừa bộn, sau này đại tu vất vả, gia chủ cần xác định điểm nào là mấu chốt nhất khi sửa chữa. Dương trạch tam yếu trong phong thủy cho rằng, bạn nên ưu tiên theo thứ tự Môn - Táo - Chủ.

Môn (hệ thống cửa) cùng các lối ra vào trong ngôi nhà được xem là miệng dẫn khí, nạp khí. Do đó, gia chủ nên làm sạch bề mặt, lối vào chính, khung cửa, không gian xung quanh và trang hoàng đẹp. Trên bệ cửa sổ hoặc khung cửa, bạn có thể bài trí thêm vòng hoa, chậu hoa để kích hoạt Sinh Khí cho nội thất, đồng thời tạo điểm nhấn bắt mắt.

 Trường hợp nhà có các cửa thẳng hàng với nhau thì nên đặt chậu cây gần cửa để hóa giải.

Sau một thời gian sử dụng, nhiều ngôi nhà được phát hiện bị Trực Xung Đối Môn (các cửa thẳng hàng với nhau gây gió lùa, cửa trước nhìn ra trụ điện hoặc miệng cống...). Trong trường hợp này, cách hóa giải là đặt bình phong chắn sau lối vào hoặc bố trí gương soi, chậu cây gần cửa.

Đối với khu bếp nấu, bên cạnh việc dọn dẹp làm sạch, gia chủ nên kiểm tra hệ thống đường ống kỹ thuật. Nếu phát hiện rò rỉ, hỏng hóc cần kịp thời sửa chữa  ngay. Ngoài ra, bạn cũng nên "lập lại trật tự" phù hợp cho phòng bếp nếu quá trình sử dụng có thể biến chuyển. Gia chủ không nên bố trí nơi dọn rửa ở quá gần bếp bởi Thủy khắc Hỏa.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên quan tâm tới vấn đề thông gió, lấy sáng tự nhiên cho phòng bếp để có những điều chỉnh hợp lý. Chẳng hạn, gia chủ có thể gắn thêm đèn dưới tủ treo tường để giúp mặt bàn bếp luôn có đủ ánh sáng. Bởi lẽ, một phòng bếp sạch sẽ, ngăn nắp, sáng sủa sẽ mang lại Sinh khí tốt cho toàn bộ ngôi nhà.

Đối với khu vực dành cho gia chủ nên ưu tiên theo thứ tự già trẻ, lớn bé. Đầu tiên là bàn thờ, không gian đoàn tụ cả nhà, tiếp đến là phòng khách, khu vực sinh hoạt chung rồi tới phòng ngủ của các thành viên gia đình. Để phù hợp với nhu cầu đối ngoại gia tăng vào dịp cuối năm, bạn có thể bài trí nhà cửa khác một chút so với sinh hoạt thường ngày. Ví dụ, bạn nên xem xét thêm chỗ để xe (gara, tầng hầm, sân trước) đã đủ chỗ và hợp lý chưa. Cây cảnh nên được chọn lọc, sắp xếp gọn gàng theo kiểu "tốt khoe xấu che". Khi dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, bạn nên loại bỏ các chi tiết trang trí không cần thiết, đặc biệt là ở phòng khách, sao cho không gian gọn gàng, đồng bộ về phong cách thiết kế.

 Phòng khách nên sửa sao cho không gian gọn gàng, đồng bộ về phong cách thiết kế

Mùa đông xét theo Ngũ hành thuộc yếu tố Thủy với tính Hàn - Âm nổi trội. Do đó, khi sửa nhà cuối năm, bạn nên sử dụng màu sắc Dương, ấm áp hơn, đồng thời hướng về mùa xuân (hành Mộc) nhiều hơn. Vì thế, gia chủ nên trang trí nhà cửa với sắc đỏ, cam hoặc nâu để bổ sung yếu tố Thổ (Thổ khắc Thủy) và Hỏa.

 

Nếu ngôi nhà được thiết kế theo phong cách phương Tây hiện đại thì bạn vẫn có thể bài trí mang hơi hướng phương Đông bằng cách sử dụng vật phẩm phong thủy, tranh dân gian, cây hoa đặc trưng... Sửa chữa, trang hoàng nhà cửa cuối năm cũng là dịp bạn thống nhất hóa không gian sống về cùng màu sắc, chất liệu cũng như phong cách chủ đạo.

2. Lưu ý khi sơn nhà

Sau một năm hứng chịu các tác động của thời tiết, màu sơn bên ngoài ngôi nhà ít nhiều bị ảnh hưởng như bạc màu, loang lổ, rêu mốc… Tuy nhiên, nếu gia chủ dùng loại sơn tốt, độ bền cao thì có thể sau 2-3 năm mới cần sơn mới.

Dưới góc độ phong thủy, màu sơn bên ngoài của công trình không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn giúp đón các năng lượng tích cực của hướng nhà, giúp thay đổi tâm trạng của người sống trong nhà từ đó tạo ra những thay đổi lớn hơn về các kế hoạch, dự định trong cuộc sống.

Ngôi nhà tươi mới, khang trang, sạch đẹp cũng khiến tâm trạng con người phấn chấn hơn, tạo động lực để mọi người gặt hái được nhiều thành công hơn. Ngược lại, ngôi nhà ẩm thấp, xuống cấp tồi tàn, rêu mốc cũ kỹ… dễ tạo ra tâm lý lười nhác, thiếu động lực, sinh khí. Do đó, việc thay đổi màu sơn, làm mới ngôi nhà dịp cuối năm cũng có ý nghĩa như việc thay đổi tâm thế, vận hạn trong một chu kỳ mới.

 Gia chủ nên chọn màu sơn có ngũ hành tương sinh với hướng.

Việc chọn màu sơn cũng nên cân đối theo điều kiện khí hậu, thời tiết vùng miền. Ví dụ ở xứ lạnh có thể chọn những gam màu ấm nóng, ngược lại xứ nóng nên chọn gam màu nhẹ nhàng, dịu mắt… Nhà quay về hướng nhiều ánh nắng mặt trời nên sơn màu nhạt, màu trung tính, trong khi nhà ở hướng gió lạnh, ít ánh nắng nên chọn màu sơn ấm nóng hơn.

Ngoài ra, gia chủ cũng có thể chọn màu sơn có ngũ hành tương sinh với hướng. Ví dụ nhà hướng Bắc thuộc Thủy có thể chọn màu trắng, vàng nhạt; nhà hướng Nam thuộc Hỏa có thể chọn màu xanh nhạt… Việc chọn màu sơn nhà ngoài sở thích, gu thẩm mỹ cũng nên tuân thủ một số nguyên tắc này để đạt được sự hài hòa.

Triết lý của khoa học phong thủy chính là hướng tới sự cân bằng. Do đó, dù chọn màu sơn nào gia chủ cũng cần chú ý đến sự cân bằng âm – dương, thể hiện ở sự phối hợp tone màu và cấp độ màu. Màu sắc kết hợp hài hòa tượng trưng cho sự luân chuyển âm – dương, từ đó tạo ra khí vượng. Ngược lại, ngôi nhà sử dụng quá nhiều màu nóng hoặc quá nhiều màu lạnh sẽ gây mất cân bằng âm dương, không tốt về mặt phong thủy.

Theo Kinh tế đô thị